Kỹ Năng

8 Cách Để Tạo Được Ấn Tượng Tốt Tại Nơi Làm Việc

Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của việc tạo ấn tượng tốt tại nơi làm việc. Khi sếp và đồng nghiệp của bạn nhận ra rằng họ có thể dựa vào bạn để làm công việc một cách tuyệt vời, thì bạn sẽ bắt đầu được đảm nhận trách nhiệm lớn hơn. Điều đó có thể dẫn đến việc được thăng chức và tăng lương.

👉 Sử dụng nghi thức phù hợp tại nơi làm việc

Sử dụng các nghi thức công sở phù hợp sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với sếp. Nó nghe có vẻ đơn giản cho đến khi bạn nhận ra rằng có nhiều người quên đi cách cư xử của họ.

Lấy ví dụ: Nếu bạn được phép sử dụng điện thoại di động tại nơi làm việc, hãy đảm bảo rằng nó không làm bạn hoặc bất kỳ ai khác bị phân tâm. Bên cạnh đó, cũng có sự khác biệt lớn giữa email cá nhân và email chuyên nghiệp. Vì thế bạn nên biết những điều cơ bản về nghi thức email ở nơi làm việc.

Ngoài ra, khi đi ăn tối với sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng, bạn phải đảm bảo thái độ tốt nhất.

👉 Đối mặt với những sai lầm của bạn

Nếu như bạn chưa từng mắc phải sai lầm thì vào một thời điểm nào đó bạn cũng sẽ gặp phải nó trong công việc, thậm chí có thể là một sai lầm lớn. Điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người. Cách mà bạn xử lý sai lầm sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của người quản lý về bạn nhiều hơn so với chính sai lầm đó.

Điều đầu tiên bạn nên làm là thừa nhận những gì đã xảy ra. Đừng phớt lờ lỗi của bạn hoặc cố gắng đổ lỗi cho bất kỳ ai khác. Thay vào đó, hãy nhận toàn bộ trách nhiệm và sau đó đưa ra cách sửa chữa lỗi lầm của bạn. Mặc dù sếp của bạn có thể thất vọng vì bạn đã mắc lỗi ngay từ đầu, nhưng ít nhất họ sẽ nhận ra rằng bạn đã làm tất cả những điều đúng đắn để giải quyết lỗi lầm đó.

👉 Gọi điện báo Sếp xin nghỉ ốm khi bạn cần

Bạn nghĩ rằng việc bạn đi làm khi bạn bị ốm thay vì ở nhà sẽ gây ấn tượng với sếp của bạn? Bạn sai rồi. Sếp của bạn biết rằng những nhân viên bị ốm không chỉ làm việc không hiệu quả mà còn có thể lây lan mầm bệnh xung quanh văn phòng. Điều đó có ích gì nếu nó dẫn đến việc toàn bộ nhân viên phải nghỉ ốm một ngày?

Nếu bạn bị sốt hoặc nghĩ rằng bệnh của bạn có thể lây lan, hãy nghỉ một ngày. Bạn có thể bắt kịp khối lượng công việc của mình khi trở lại làm việc, hoặc nếu bạn cảm thấy ổn, hãy hoàn thành công việc ở nhà nếu sếp của bạn cho phép.

👉 Vượt qua khủng hoảng

Khi một cuộc khủng hoảng bất ngờ xảy ra tại nơi làm việc – chẳng hạn như người phục vụ ăn uống bỏ đi khỏi bộ phận của mình trước một hội nghị lớn mà công ty bạn đang tổ chức hoặc là máy tính gặp phải sự cố. Vậy ai sẽ là người tạo ấn tượng tốt hơn với sếp: người cảm thấy hoảng sợ hay người bắt đầu hành động để khắc phục sự cố?

Hãy học cách đối phó với khủng hoảng tại nơi làm việc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Một cách để làm điều này là tưởng tượng các tình huống khác nhau và đưa ra kế hoạch phản ứng với từng tình huống. Sau đó, nếu điều bất ngờ xảy ra, bạn sẽ chuẩn bị đầy đủ để đối phó với nó.

👉 Tránh các chủ đề gây tranh cãi

Những người sếp có xu hướng thích những lúc nơi làm việc của họ yên tĩnh. Ai có thể đổ lỗi cho họ? Khi các nhân viên làm việc với nhau một cách hài hòa, họ có thể tập trung vào công việc của mình.

Vì vậy, hãy tránh bắt đầu cuộc trò chuyện về những chủ đề khiến mọi người không thoải mái và thậm chí có thể dẫn đến tranh cãi. Chẳng hạn như tránh nói về chính trị hoặc tôn giáo.

👉 Ăn mặc chỉnh tề

Luôn tuân theo quy định về trang phục của tổ chức bạn. Hầu hết các công ty không còn yêu cầu nhân viên mặc vest đi làm, nhưng điều cần thiết là phải có một vẻ ngoài gọn gàng và sạch sẽ.

Nếu bạn được phép mặc quần jean và áo phông, hãy đảm bảo rằng chúng ở trong tình trạng tốt. Giày của bạn cũng phải ở trong tình trạng tốt. Bạn thường không thể sai nếu bạn tuân theo sự hướng dẫn của sếp khi chọn trang phục đi làm.

👉 Tôn trọng đồng nghiệp của bạn

Khi đồng nghiệp tôn trọng nhau, họ thường thân thiện với nhau hơn – và còn điều gì quan trọng đối với người sếp hơn thế. Không ai muốn nhân viên của mình xung đột với nhau.

Luôn tránh cư xử thiếu văn minh với bất kỳ đồng nghiệp nào của bạn. Đi làm đúng giờ, đặc biệt là nếu bạn sắp phải thay vào ca làm việc của người khác. Đừng bao giờ coi thường công việc của người khác. Luôn chia sẻ khối lượng công việc. Xin lỗi nếu bạn từng xúc phạm đồng nghiệp của mình.

👉 Làm một người đại diện tốt cho công ty của bạn tại các Hội nghị và Cuộc họp

Khi bạn thay mặt sếp của bạn để tham dự một Hội nghị hoặc Cuộc họp kinh doanh lớn, nhiệm vụ của bạn là phải tạo được ấn tượng tốt. Nó sẽ phản ánh tốt về tổ chức của bạn và sếp của bạn sẽ đánh giá cao những nỗ lực của bạn.

Ăn mặc một cách phù hợp và kết nối với những người tham dự khác. Đảm bảo mang lại thông tin để chia sẻ với sếp và đồng nghiệp của bạn nếu họ không thể tham dự cuộc họp.

————————————————————————

  • Tác giả: Dawn Rosenberg McKay
  • Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY
  • Dịch giả: Vũ Thị Thanh Loan – CTV ban Nội dung
  • Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Vũ Thị Thanh Loan – Nguồn: iVolunteer Vietnam”.

Shortlink: https://ivolunteer.info/z/5195

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Kênh kiến thức kỹ năng, phát triển bản thân, hướng nghiệp, blog nhân sự

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ